Một thời khai thác cạn kiệt nguồn sâm Ngọc Linh quý hiếm, đến nay đồng bào Xê Đăng ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) xa xôi đã “sửa sai” bằng cách trồng lại giống sâm này, vừa để duy trì dòng sâm vừa làm giàu.
Sâm Ngọc Linh
Của “để dành”
Xã Ngọc Lây (H.Tu Mơ Rông), được cho là một trong những địa phương trồng sâm Ngọc Linh nhiều nhất. Xã có 10 thôn thì 5 thôn người dân trồng sâm nhờ dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều người còn tự đi tìm giống sâm về trồng. Nhiều hộ nhờ sâm đã khá dần lên, không còn đói nghèo.
A Nô ở xã Ngọc Lây cho biết một mình anh lặn lội suốt trong rừng để tìm cây giống nhưng cũng không được bao nhiêu. Sau này, được nhà nước hỗ trợ ít tiền, A Nô tiếp tục trồng thêm, phát triển được 600 cây. Còn A Cam năm 2007 cũng tự tìm sâm rừng để trồng và đến nay đã phát triển được 300 cây. A Ben ở làng Măng Rương I, xã Ngọc Lây thì ngoài tìm sâm rừng, còn bỏ hơn 20 triệu đồng mua giống sâm để trồng và đến nay gia đình A Ben đã trồng được gần 1.000 cây, thành “tiểu gia” sâm vùng này.
Ở Tu Mơ Rông, những người Xê Đăng trồng sâm nói trên chỉ là “cải thiện đời sống”, còn “đại gia” trồng sâm phải kể đến ông T.H. Từ những năm 1998 – 1999, ông bắt đầu thực hiện niềm đam mê của mình: cứu thần dược sâm Ngọc Linh thoát khỏi nạn cạn kiệt. Ngay từ những ngày đầu, ông và các cộng sự đã lặn lội tìm kiếm, thu mua sâm của người dân đào được rồi đem về rừng… trồng lại. Ăn, ngủ cũng đều nghĩ đến trồng sâm. Bao khó nhọc, gian nan rồi cũng vượt qua và niềm vui mang lại là khi cây ra hoa, những chồi non mới nhú lên. Đến bây giờ chưa thu lại được một đồng nào từ sâm, nhưng khá nhiều người đến trả giá cao đều bị ông chủ rừng sâm lắc đầu vì “chưa phải lúc”.
Hỗ trợ giống cho dân
Sau những người đi tiên phong, đến nay đồng bào Xê Đăng của huyện vùng cao Tu Mơ Rông đã biết cách trồng sâm Ngọc Linh trên rừng. Ông A Hơn, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, bảo bà con tự trồng rất nhiều sâm nên rất khó thống kê chính xác diện tích. Tuy nhiên, ước tính hiện người dân trồng được khoảng 300 ha và cứ mỗi năm diện tích này tăng thêm.
Để dân có giống sâm Ngọc Linh trồng, tỉnh Kon Tum đã đầu tư kinh phí xây dựng khu bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh và giao cho Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô thực hiện.
Theo đó, tỉnh dựng trung tâm sâm giống trên núi Ngọc Linh thuộc xã Măng Ri, H.Tu Mơ Rông ở độ cao từ 1.900 – 2.000 m, với 6 ha.
Tại đây, cây sâm Ngọc Linh phát triển khá tốt, vừa trồng vừa nhân giống và đến thời điểm này đã chuyển giao hàng chục nghìn cây sâm giống cho các hộ gia đình ở Tu Mơ Rông trồng. Ngoài ra, bằng các nguồn vốn khác nhau, UBND H.Tu Mơ Rông cũng đã đầu tư hỗ trợ cây sâm giống cho hộ đồng bào Xê Đăng các xã trong vùng trồng ở quy mô hộ gia đình.
“Bà con hiện đang xuống giống trồng sâm, với 3 loại, thấp nhất là 90.000 đồng/mầm, còn lại là 100.000 và 120.000 đồng/mầm. Chúng tôi tin tưởng nguồn này nên cấp cho bà con, còn nguồn giống trôi nổi thì huyện không mua và khuyến cáo bà con không nên mua”, ông A Hơn nói. Cũng theo ông A Hơn, điều đáng mừng hiện nay là đồng bào Xê Đăng ngoài việc tự trồng sâm Ngọc Linh còn biết liên kết với các doanh nghiệp để trồng, sau này ăn chia sản phẩm theo thỏa thuận.
Theo thanhnien.vn
Link gốc: httpss://thanhnien.vn/kinh-doanh/cuu-than-duoc-sam-ngoc-linh-730816.html